
Nhà cấp 4 từ xưa đến nay vẫn luôn là những gì quen thuộc nhất với người dân Việt Nam chúng ta. Càng ngày những căn nhà cấp 4 lại càng được sáng tạo và có những thiết kế mới lạ và độc đáo. Không còn bó buộc là những căn nhà cấp 4 đơn sơ giản dị. Xã hội phát triển, cùng với đó là những thiết kế cũng ngày một mới mẻ và sáng tạo hơn, tạo cảm giác mới mẻ, đột phá mà vẫn không mất đi những truyền thống vốn có của ngôi nhà kiểu Việt Nam. Vậy hãy cùng chúng tôi tham quan một ngôi nhà cấp 4 nhỏ xinh ở Lâm Đồng vô cùng độc đáo nhé.
Ngôi nhà cấp 4 nối với nhau bằng không gian xanh
Ngôi nhà cấp 4 được chia làm 2 phần, kết nối với nhau bằng không gian xanh. Gian thờ kết hợp phòng khách có thiết kế ‘độc nhất, vô nhị’. Công trình nhà cấp 4 ở Lâm Đồng có diện tích 200m2 nhưng dài và hẹp. Đội ngũ kiến trúc sư đã xử lý bằng cách thiết kế các không gian độc lập.
Nhà chạy dài, chia thành bốn phần rõ rệt, mỗi lát cắt định hình bằng không gian xanh. Chính vì vậy, kiến trúc sư đã đặt tên cho công trình cái tên: The Slice (lát cắt). Đây là hình ảnh đặc trưng của nông thôn Việt Nam với những mảng cây xen kẽ. Giàn cây leo giăng ngang những mảng cây, kết cấu mái che đón gió vào.
Giàn cây leo và mái che hình thành lớp vỏ kép, giảm đáng kể bức xạ mặt trời, tạo diện tích bóng mát lớn, sinh động. Với hệ thống hành lang nối tiếp nhau, không gian sống trở nên thông thoáng, xuyên suốt và gắn kết với nhau.
Phong cách nhà tối giản, có không gian xanh mát
Chủ nhà là cặp vợ chồng trẻ cùng hai đứa con, mong muốn có một nơi chốn yên tĩnh, một khu vườn nhỏ cùng không gian sinh hoạt thoáng mát nhưng phải riêng tư để trở về sau những giờ làm việc mệt mỏi. Kiến trúc sư đã lựa chọn phong cách tối giản, có không gian xanh mát, tạo nên sự thoáng đãng, nhẹ nhàng và tinh tế.
Phong cách kiến trúc hiện đại cùng ý tưởng thiết kế sáng tạo. Đã mang lại diện mạo mới mẻ cho kiểu nhà cấp 4 truyền thống.
Phòng khách ít đồ đạc với bộ sofa nhỏ gọn, bàn tròn và ghế thư giãn. Đặc biệt, ở đây được bố trí gian thờ nhỏ, kết cấu hình tròn, giống một cái lều. Kiến trúc sư Thùy Trang chia sẻ, khu vực thờ tự bố trí như vậy đảm bảo được sự riêng tư, linh thiêng nhưng không bị nặng nề như hình mẫu cổ điển.
Phòng khách nhìn từ sân cổng. Kiến trúc sư sử dụng cửa kính đẩy sang hai bên, tối ưu diện tích, để có thể lấy ánh sáng tối đa vào nhà. Gian thờ hiện đại, nền tôn cao, thể hiện sự trang nghiêm. Phần mái có 1 vài khe hở, dùng nhựa trắng lợp, vừa lấy sáng vừa tránh mưa. Phòng khách được thiết kế đơn giản với nét đẹp truyền thống cộng thêm công năng làm phòng đọc sách rất tuyệt.
Phòng ngủ đều ngập ánh sáng và cây xanh
Phòng ngủ master và phòng ngủ phụ đều ngập ánh sáng, cây xanh. Toàn bộ nội thất được làm từ gỗ thịt phối gỗ công nghiệp. Màu sắc chủ đạo của nhà là trắng và màu gỗ tạo cảm giác nhẹ nhàng. Phòng ngủ được thiết kế trên gác lửng với nền gạch nhiều sắc màu lại thêm cả bàn làm việc được sắp đặt rất tinh tế.
Phòng ngủ thứ 3 có thêm gác xép nhỏ. Kiến trúc sư không sử dụng giường truyền thống mà dùng hệ giường tủ nối nhau thành 1 khối với nhiều công năng và tiện ích sử dụng hơn. Ví dụ: Dưới gác xép là tủ quần áo, bàn làm việc. Cũng như 2 phòng ngủ trên, phòng này có cửa sổ to, mở ra là màu xanh mê mẩn của cây cối. Góc đọc sách, làm việc được bố trí các loại cây như: Chuối cảnh, lưỡi hổ. Chiếc ghế gỗ và cói đan hợp với thảm lục bình.
Toàn bộ đèn trong nhà được đánh sáng phù hợp. Phần lớn, kiến trúc sư ít sử dụng đèn led. Mà dùng đèn thả trần kết hợp với ánh sáng từ mái. Tủ bếp gọn gàng nhưng đủ các thiết bị. Lò nướng, bếp từ, máy rửa bát… Gia chủ không làm tủ kịch trần để giảm bớt sự nặng nề. Đồng thời, mặt tủ bếp hạn chế chi tiết nhất có thể.
Phòng bếp đơn giản mà hiện đại
Phòng bếp với các thiết bị dụng cụ hiện đại. Không gian bếp thoáng đãng, mang phong cách mộc mạc. Truyền thống, được ngăn cách với phòng khách nhờ tiểu cảnh xanh mát. Khu vệ sinh cũng hòa mình cùng thiên nhiên.