
Ngày nay, việc ốp gạch lên tường đang được rất nhiều hộ gia đình áp dụng. Rất nhiều căn hộ hay chung cư cũng sử dụng kiểu thiết kế này để tăng thêm tính độc đáo cho ngôi nhà. Để có một bức tường đẹp, bạn hoàn toàn có thể thuê người làm, chắc chắn sẽ không khiến bạn phải thất vọng. Nhưng nếu bạn thích những thứ handmade, tự tay mình làm ra, thì thật ra việc ốp gạch tường cũng không hẳn là quá khó khăn. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cho ban những thao tác ốp gạch tường cho phòng khách, phòng vệ sinh, cùng theo dõi nhé!
Lựa chọn gạch ốp tường chất lượng
Điều quan trọng hàng đầu trong việc hướng dẫn ốp gạch tường là gợi ý mua gạch. Bạn nên mua ở cửa hàng uy tín, có nhiều khách đang mua hàng như gạch lát nền nhà, gạch ốp tường,… Hoặc bạn có thể tham khảo những người bạn đã mua gạch để nhờ họ chỉ cửa hàng tin cậy. Bởi vì bạn không thể phân biệt độ bền của gạch bằng mắt thường.
Tuy nhiên, bạn vẫn có rất nhiều cách quan sát để chọn lựa gạch tốt. Đó là quan sát kĩ các chi tiết trên viên gạch. Gạch không bị mẻ ở viền, không bị nứt lăn tăn trên bề mặt chứng tỏ có độ cứng tốt. Bên cạnh đó, bạn chỉ nên mua gạch còn nguyên kiện, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng để tránh mua nhầm hàng kém chất lượng.
Hướng dẫn các bước tự ốp gạch tường
Các bước đơn giản để tự bạn ốp gạch cho tường khi bạn cần thay đổi phong cách ở một số chi tiết hay khi sửa chữa những bức tường ốp gạch. Đôi khi bạn cần ốp một mảng tường be bé mà không muốn gọi thợ. Những hướng dẫn sau giúp bạn tự làm được việc này một cách hiệu quả nhất
Bước 1: Đánh dấu đường mạch
Đóng một thanh gỗ ngang thật thẳng để lấy cữ cho mép dưới của gạch. Nếu không bị hạn chế theo chiều cao thì nên để khoảng cách từ mép trên thanh gỗ xuống dưới sàn đúng bằng chiều cao viên gạch. Bắt đầu đo từ mép thanh gỗ lên trên theo chiều cao của từng hàng gạch. Dùng bút chì đánh dấu các đường mạch của gạch sao cho cân đối. Dùng thước li-vô để căn đường ngang và dùng dây dọi để căn đường dọc. Bằng cách đánh dấu trước ta có thể tính được luôn số gạch tiêu hao. Trường hợp những vị trí ở rìa nếu lớn hơn nửa viên thì được tính là một viên.
Bước 2: Trát vữa lên tường
Trát vữa lên tường theo từng mảng rộng khoảng nửa mét vuông, bắt đầu từ điểm được chọn làm nơi xuất phát. Sử dụng lưỡi dao phết có hình lượn sóng để tạo sóng trên vữa. Khi ốp viên đầu tiên, nhấn nhẹ viên gạch cho đến khi vữa bắt đầu trào lên trong khe.
Bước 3: Sử dụng tấm ngăn nhựa tạo khoảng cách gạch đều
Đặt tấm ngăn hình chữ thập bằng nhựa có chiều dày bằng khoảng cách giữa hai viên gạch vào góc rồi ốp những viên tiếp theo. Dùng thước thẳng để kiểm tra và điều chỉnh độ phẳng của từng viên gạch. Tiếp tục như thế cho đến khi ốp kín toàn bộ bức tường.
Bước 4: Ốp những viên hàng cuối cùng
Khi vữa khô thì gỡ thanh gỗ. Ốp tiếp các viên gạch ở hàng dưới cùng. Nếu có những chỗ cần phải cắt gạch thì nên tập hợp hết lại rồi mang đi thuê thợ chuyên nghiệp để tránh bị vỡ, lãng phí gạch.
Những lưu ý khi ốp tường
- Bố trí sao cho số lượng gạch cần cắt là tối thiểu.
- Nếu có các cửa sổ thì nên tính toán để những viên cạnh chúng càng nguyên vẹn càng tốt.
- Cần chuẩn bị bề mặt cẩn thận: quét sạch bụi và trám kín các lỗ thủng trên tường.
- Có thể ốp lên bề mặt gạch cũ, nhưng nhớ tránh cho không bị trùng mạch.
- Không khuyến khích trường hợp này vì độ bám dính giữa lớp vữa mới và nền gạch cũ không chắc.
- Nếu cần khoan trên bề mặt gạch, nên dùng băng dính dán lại trước khi khoan để tránh bị vỡ.
- Khoảng cách giữa các viên gạch thông thường vào khoảng 2 mm.